Tính nhân văn của một xã hội được đo lường qua chính sách và ứng xử với những người yếu thế và hôm nay, với những điểm dừng chân đông vui những anh tài xế áo xanh áo vàng, TP.HCM đang ngày một đáng sống hơn.
Điểm dừng chân có võng cho tài xế xe ôm nghỉ ngơi – Ảnh: XUÂN ĐOÀN
Tuần qua, liên tiếp những chính sách, đề xuất đứng về phía quyền lợi người lao động, người yếu thế đã được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của dư luận, y như những reo vui sau bản tin về bốn điểm dừng chân giữa thành phố dành cho các tài xế xe công nghệ nối nhau ra mắt trong hai tháng qua.
Đã hơn 10 năm, từ ngày công nghệ gọi xe ra đời, những tài xế công nghệ dần thay thế xe ôm truyền thống; cách đặt xe, cách trả tiền, cách sử dụng dịch vụ, cách quản lý, quan hệ tài xế – khách hàng… tất thảy đều thay đổi.
Nhưng có điều chưa đổi là hình ảnh giữa trưa một bác tài dựng chống đứng xe dưới một bóng cây, nằm dài trên yên xe, tay khoanh lại trước ngực, mỏi mệt thả một giấc say ngắn ngủi.
Có điều chưa đổi là những lúc nắng gắt mưa dầm, người ta dễ thấy những bóng áo xanh, áo vàng của các anh tài xế công nghệ tụ tập dưới một mái hiên, gầm cầu vượt, một góc công viên trong khoảnh khắc giải lao. Có điều chưa đổi nữa là công việc của họ vẫn cứ “ráo mồ hôi là hết tiền”, không có hứa hẹn bù đắp nào cho một ngày vất vả…
Ai ai cũng thấy điều đó nên ai ai cũng vui khi được thấy quán nước này dành ra một khoản để mời nước các anh shipper, quán ăn kia tổ chức dĩa cơm treo tường mời những người tài xế lẫn lao động tự do và càng mừng hơn khi các nghĩa cử không còn tự phát mà đã phát triển thành hoạt động có tổ chức như điểm dừng chân do nghiệp đoàn tài xế công nghệ và liên đoàn lao động cùng thực hiện.
Từ nay, các tài xế sẽ có một chốn nghỉ ngơi và trở về thật sự. Có ghế, có võng, có chỗ vệ sinh; có nước, thức ăn; có đồng nghiệp bạn bè; có mạng Internet, có những thông tin bổ ích về an ninh, cơ hội việc làm, học tập; có chỗ sửa xe, có chỗ học cách tự bảo vệ…
“Rất thiết thực, rất ý nghĩa”, không cần là tài xế công nghệ thì ai ai cũng đều thốt lên như vậy khi được nghe mô tả.
Không thiết thực sao được khi người đầu tiên thực hiện mô hình này chính là một tài xế công nghệ đã thấu rõ sự mệt mỏi trên cơ tay cơ lưng mình, thấu rõ sự đòi hỏi được ngả lưng, được chợp mắt sau nhiều cuốc xe bươn bả, thấu rõ sự “cô đơn trên mạng” trên con đường rong ruổi mưu sinh của mình.
Từ điểm đầu tiên được tổ chức ở quán cà phê của một gia đình tài xế, liên đoàn lao động vào cuộc để chỉ sau hai tháng đã có thêm ba điểm nữa ra đời và sẽ tiến tới mỗi quận huyện có ít nhất một điểm.
Chắc chắn điều đó sẽ sớm đạt được khi việc tổ chức và duy trì không mấy phức tạp nhưng tác dụng thiết thực và ý nghĩa xã hội lại rất lớn, rất dễ dàng nhận được sự ủng hộ và chung tay của mọi cá nhân, tổ chức.
Tính nhân văn của một xã hội được đo lường qua chính sách và ứng xử với những người yếu thế và hôm nay, với những điểm dừng chân đông vui những anh tài xế áo xanh áo vàng, TP.HCM đang ngày một đáng sống hơn.
Chờ lắm những chính sách mới đang được thành hình để bảo vệ nhiều hơn nữa những người lao động, dẫu không có trong lực lượng cán bộ công chức nhưng vẫn mỗi ngày cống hiến cho một xã hội thịnh vượng hơn, tốt đẹp hơn.
Phạm Vũ